Anh trai tôi: Liệt sỹ Nguyễn Thắng Vận (Phần 2)

Gần đây, thông qua trang Kỷ vật kháng chiến tôi có được thông tin mà nguồn của nó là trang http://chinhsachquandoi.gov.vn/ với danh sách của 56 Liệt sỹ thuộc Trung đoàn 66 đã hy sinh trong trận chiến diễn ra trong 2 ngày 28 và 29 tháng 5 năm 1966 tại Bãi Pi Dốt. Anh tôi có số thứ tự 42 trong danh sách này.


Thông tin về anh tôi hoàn toàn đúng với những ghi chép tại Binh Đoàn Tây Nguyên, nơi mà mấy năm trước đây, cháu tôi, một cán bộ quân đội đã đến xem tận nơi. Có điều, từ đây tôi có thêm thông tin để tiếp cận với trận đánh mà anh tôi đã hy sinh.

Địa danh trận đánh: Thung lũng Chư Păh, Bãi Pi Dốt, Landing Zone TEN ALFA

Tra cứu theo tọa độ ghi trong báo cáo về trận đánh của quân đội Mỹ thì trận đánh xẩy ra tại địa phận Xã Ia O, Huyện Ia Grai, Tỉnh Gia Lai ngày nay (Xã Ia O có 9 làng nhưng hiện chưa tìm thấy bản đồ nào ghi tên làng).

Thung lũng Chư Păh là ghi chung chung cho cả vùng thung lũng rộng lớn này. Trước đây, ngay sau giải phóng thì cả vùng này thuộc một huyện là Chư Păh, nhưng sau năm 1996 thì huyện Chư Păh tách ra làm đôi và xã Ia O trở thành một xã thuộc huyện Ia Grai.

Bãi Pi Dốt có lẽ là cái tên do bên ta gọi khu vực xẩy ra trận đánh. Cái tên này được ghi lại vào sổ sách của Binh Đoàn. Hiện nay, nếu tra cái tên Pi Dốt trên Google thì chưa thấy có nơi nào dùng, trừ mấy trang liên quan tới sự kiện trận đánh 2 ngày này.

Landing Zone TEN ALFA là tên chỉ địa danh xẩy ra trận đánh có trong báo cáo của quân đội Mỹ. Ngoài ra cũng trong báo cáo này còn nói đến Landing Zone ELEVEN ALFA. Có thể dịch là Bãi đáp ALFA mười và Bãi đáp ALFA mười một.

Trận chiến chỉ xẩy ra trong một phạm vi hẹp, chiều rộng 80 mét, chiều dài 150 mét. Số người lính chết cả hai bên lên tới hàng trăm.


Ngày nay, đi lên khu vực trận chiến từ thành phố Pleiku về hướng Tây qua thị trấn Ia Kha (thủ phủ Ia Grai) theo TL664 lên Thủy điện Sê San 4, khoảng 64 Km thì tới. Nơi đây gần biên giới với Campuchia.





Nếu nhìn trên bản đồ Google Earth phóng to cực đại thì có thể thấy nơi đây là một khu vực rộng lớn nhiều hécta, bằng phẳng, cây trồng thẳng hàng (có thể là cây Cà phê). Thế nhưng, cũng có thể 50 năm trước nó là rừng rậm bạt ngàn đầy bí hiểm.

Trên đây là những thông tin về vị trí xảy ra trận chiến hai ngày 28 và 29 tháng 5 năm 1966 mà tôi có được phần lớn nhờ sự giúp đỡ từ những tài liệu mà bạn Admin trang Kỷ vật kháng chiến gửi cho. Xin chân thành cảm ơn bạn.

Phiên hiệu đơn vị E66 Tây Nguyên:

Trong giấy báo tử ghi là D8-KT: Tiểu đoàn 8, chiến trường Tây Nguyên. KT: Phòng Hậu cần B3, Sư đoàn 1, 2, 3, 6, 320, 304 (theo giải mã tại http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/22445702-giai-ma-ky-hieu-phien-hieu-phuc-vu-tim-kiem-quy-tap-hai-cot-liet-si.html).

Trong hồ sơ lưu đề là C6-D8-E66: Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66.

Tham khảo các tài liệu cho thấy: E66 (Trung đoàn 66) là đơn vị mà anh tôi chiến đấu từ lúc bắt đầu hành quân đi vào nam tới lúc hy sinh. E66 lúc hành quân vào nam là thuộc sư đoàn 304 với 3 tiểu đoàn 7, 8, và 9. Bắt đầu hành quân vào nam là ngày 20/08/1965, đến đầu tháng 11/1965 thì vào tới chiến trường B3 (chiến trường Tây nguyên) và tham gia chiến đấu như những Trung đoàn độc lập. Trận chiến 2 ngày 28-29/05/1966 là có sự kết hợp của hai Trung đoàn 66 và 33.

Chiến trường miền nam ngày một ác liệt hơn quân đội ta đã hình thành Sư đoàn 1 (F1) và E66 trực thuộc F1 (cùng với E33 và E320). Cho nên, có thể nói, đơn vị lúc anh trai tôi hy sinh là: C6, D8, E66, F1.

Sau ngày giải phóng, F1 giải tán, hình thành F10, Quân đoàn 3 và sau này gọi là Binh đoàn Tây Nguyên, E66 thuộc F10.

Sở dĩ tôi cần ghi rõ các thông tin này bởi cần định danh rõ nguồn gốc các cựu chiến binh thuộc E66, F10, Quân đoàn 3, Binh đoàn Tây Nguyên. Hiện nay vẫn có hội CCB E66 hoạt động sôi nổi trên mạng, nhưng là E66 của F304, vốn ban đầu E66 Tây Nguyên xuất thân từ đó.

Xem thêm:

0 Comments