Anh trai tôi: Liệt sỹ Nguyễn Thắng Vận (Phần 4)

Đoạn viết của GS Hoàng Minh Thảo đăng trên báo Quân đội Nhân dân: Tháng 8-1965, trung đoàn (E66) trong đội hình Sư đoàn 304 vào Tây Nguyên tham chiến. Hai tháng hành quân, ngày 10-11-1965, trung đoàn tới địa điểm quy định của Bộ. 4 ngày sau (ngày 14-11), đơn vị lần đầu chạm trán với lữ đoàn kỵ binh bay số 3 của Mỹ tại thung lũng Ia Đrăng. Trận đọ súng đầu tiên tiêu diệt toàn bộ quân Mỹ ở thung lũng Ia Đrăng, làm nức lòng quân và dân cả nước. Từ chiến thắng này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Tư lệnh chiến trường đã khẳng định, đại ý: Chúng ta đánh được Mỹ và nhất định thắng được quân Mỹ.

Ảnh chụp màn hình bản đồ GPX ghi lại cung đường từ TP. Quy Nhơn đến bãi Pi Dốt
(Tọa độ: 13.897761, 107.558642 hoặc 13o53'51.9"N, 107o33'31.1"E)

Anh hùng Lê Xuân Phôi là Tiểu đoàn trưởng D8, hy sinh ngay trận chiến đầu tiên với Mỹ tại trận đánh nổi tiếng tại thung lũng Ia Đrăng. Anh Lê Xuân Phôi quê ở thôn Đa Giá, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Về trận chiến tại bãi Pi Dốt (gọi theo phía Việt cộng) mà cao điểm là 2 ngày 28, 29 tháng 5 năm 1966 tôi không tìm thấy một tài liệu nào của bên ta. Tuy nhiên, có nhiều tài liệu của Mỹ nói về trận chiến 2 ngày này. Bãi Pi Dốt trong các tài liệu của Mỹ chính là Landing Zone TEN ALFA. Các tài liệu có thể tham khảo qua Internet:

Có thể nói, thời kỳ đầu năm 1966, chiến trường trở nên ác liệt ở khu vực Tây Nguyên. Quân Mỹ đi tìm và diệt quân đội chính quy của ta bằng chiến dịch TRỰC THĂNG VẬN. Quân ta cũng không kém, bộ đội chủ lực dàn trận cỡ Trung đoàn tấn công trực diện quân Mỹ. Có thể cảm nhận sự ác liệt của trận chiến 2 ngày 28 và 29 tháng 5 năm 1966 tại bãi Pi Dốt, hoặc Landing Zone Ten Alfa (LZ10A) khi xem một số video clip được quay vào thời kỳ này tại các bãi đáp khác, tương tự.

Bản thân tôi có thể hiểu được việc không ghi gì tại cột thông tin mộ phần của anh tôi có thể là do bị đạn pháo tan xác, có thể chết trong rừng sâu... Đơn vị không ghi thông tin bởi không một ai cụ thể chôn xác anh, hoặc ngay cả người chôn xác anh sau đó cũng đã ngã xuống khi chưa kịp báo cáo quân lực... Chiến tranh là ác liệt, mạng sống là mong manh, chẳng ai muốn điều đó.

Tôi đã đến nơi đó:

Căn cứ vào tọa độ định vị trên bản đồ, tháng 5 năm 2019, ở tuổi 67, tôi đã đi xe máy từ Hà Nội vào Quy Nhơn, rồi cùng con trai tôi từ Sài Gòn ra, lên nơi được định danh là bãi Pi Dốt, thuộc xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai (gần đập thủy điện Sê san 4).


Chúng tôi đến đúng tọa độ thông qua GPS, thắp nén hương tưởng nhớ tới anh cùng các đồng đội.

Nơi đây, giờ không còn rừng rậm, không còn bãi cỏ lút đầu người... mà là cánh đồng trồng cây hạt điều. Tuy đường nhựa phẳng lỳ chạy qua nhưng dân cư rất thưa thớt. Và vì là vùng biên giới nên người dân có phần cảnh giác với người lạ. Đường đi không mấy khó khăn. Cảnh sắc xung quanh yên bình. Bản thân tôi cảm thấy hấp dẫn và tự hứa sẽ vào lại đây lần khác nữa khi có thể. Dù sao, đây cũng là mảnh đất mà anh tôi đã chiến đấu và hy sinh giữa tuổi hai mươi.

Tất cả các bức ảnh, videoclip liên quan tới hành trình từ Quy Nhơn, qua Pleiku, lên bãi Pi Dốt (thuộc xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đều được ghi lại trong một album của Google Photos. Xin mời nhấn vào đây để xem!

Xem thêm:

1 Comments